Một số đặc điểm nhận diện kiến trúc tân cổ điển

Ngày đăng:25/03/2023 15:27:57 Ngày sửa đổi:17/03/2024 01:29:41
Viết bởi: admin

Trong thiết kế kiến trúc có nhiều phong cách thiết kế kiến trúc khác nhau, trong đó có thiết kế kiến trúc theo phong cách tân cổ điển. Bài viết này mình sẽ nói về kiểu kiến trúc tân cổ điển này. Đây là một phong cách kiến trúc được dùng rất nhiều trong thiết kế trúc cho các công trình xây dựng, nên các bạn cần hiểu về nó.

Trên mạng cũng đã có nhiều bài viết nói về phong cách thiết kế kiến trúc tân cổ điển. Tuy nhiên nếu bạn là người mới hay không phải là người theo chuyên ngành kiến trúc thì bạn sẽ rất khó có thể hiểu được, có thể nói là bạn thu hoạch được rất nhiều nhưng thực chất là không thu hoạch được gì. Điều này là bởi vì khi nhìn vào một công trình thực tế, bạn vẫn không thể nhận ra được kiến trúc của công trình đó có phải là kiến trúc tân cổ điển hay không.

Bài viết này mình sẽ trình bày theo một cách thực dụng để giúp bạn dễ hiểu nhất, để làm sao khi đọc xong bài viết thì nhìn vào một công trình là bạn có thể biết được ngay là nó có phải được thiết kế kiến trúc theo phong cách tân cổ điển hay không.

Về khái niệm kiến trúc tân cổ điển.

Không có một khái niệm nào cho từng phong cách kiến trúc và đương nhiên cũng không có một định nghĩa nào cho kiến trúc tân cổ điển. Vậy làm thế nào để bạn có thể biết được kiến trúc của một công trình nào đó có phải là kiến trúc tân cổ điển hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này trước tiên các bạn phải hiểu phong cách thiết kế kiến trúc là gì?

Các thiết kế kiến trúc mà có chung những đặc điểm gì đó thì người ta gộp vào thành một loại và gọi đó là một phong cách, một lối thiết kế hay một thói quen thiết kế.

Như vậy phong cách kiến trúc là một lối thiết kế kiến trúc cho các công trình xây dựng của một nhóm người nào đó, một địa phương nào đó, một đế chế hay triều đại, một thời kỳ lịch sử nào đó, ... Kiểu như là nhiều người cùng có những thiết kế tương đồng thì mọi người sẽ đặt cho nó một cái tên.

Phong cách kiến trúc tân cổ điển là gì?

Nó là một lối thiết kế cải biên từ phong cách thiết kế kiến trúc cổ điển, trong đó bỏ đi các chi tiết có tính rườm rà: chi tiết có tính thủ công, hoa văn họa tiết trang trí, chi tiết phức tạp khó thi công (mái vòm), khó làm kết cấu, ...

Đối với kiến trúc cổ điển, các bạn có thể tìm hiểu bài viết này: một số điểm nhận diện kiến trúc cổ điển

Các đặc trưng trong kiến trúc tân cổ điển:

1. Tính đổi xứng vẫn được duy trì, nhưng không bắt buộc.

- Công trình vẫn có tính đối xứng, nhưng không đối xứng hoàn toàn:

+ Không phải tất cả các mặt của công trình đều đối xứng. Đối với mặt có tính đối xứng thì không phải là đối xứng tuyệt đối.

+ Không phải tất cả các khối và các chi tiết của công trình đều đối xứng. Chỉ có một vài khối hay chi tiết của công trình được chọn để thiết kế đối xứng.

- Các bạn có thể kiểm nghiểm điều này qua bức ảnh của hình 1 bên dưới:

+ Mặt trước của công trình (mặt phía lệch trái) chỉ có tính đối xứng lệch, về kích thước hai bên của mặt đối xứng là khác nhau, về hình dạng thì không giống nhau hoàn toàn. Đối với kiến trúc cổ điển thì điều này là không được phép.

+ Mặt bên của công trình (mặt phía lệch phải) không còn tính đối xứng, nhìn chỉ có vẻ la lá là đối xứng thôi. Tuy nhiên mình lưu ý là cái la lá này là cái khó và không phải ai cũng làm được. Phải làm được nó la lá như thế mới giữ được chút cổ điển và lại mang tính phá cách để tạo cảm giác mới.

2. Tính lặp lại, nhắc lại vẫn có, nhưng không đều đặn.

- So với kiến trúc cổ điển thì các khối và chi tiết của công trình vẫn được nhắc lại, nhưng không lặp lại một cách máy móc và cũng không lặp lại kiểu giống hệt.

3. Quy cách của các mặt tiền là không giống nhau, có khi là khác hẳn nhau.

4. Các hệ thức cột vẫn giống như kiến trúc cổ điển (cột tròn có đế và đầu cột được trang trí) nhưng được lược bớt đi hoa văn phù điêu phức tạp, hoặc tạo các hoa văn phù điêu dạng đơn giản, hoặc chỉ đơn giản là đắp phào nổi thôi. Ngoài cột tròn, chúng ta có thể thấy có thêm các cột vuông, cột giả ốp tường.

- Khái niệm hoa văn, phù điêu:

+ Hoa văn: là các hình vẽ một cái gì đó thuộc về thế giới tự nhiên, không thuộc loài người hay động vật.

+ Phù điêu: là hình phù hiệu, hình người, hình con vật, linh vật (những thứ có tính chất con người, con vật).

5. Có các khối nhô lùi theo kiểu không có trật tự.

6. Hệ mái đa dạng. Mái của công trình thường bao gồm nhiều loại mái: mái vòm, mái cụt, mái vát, ...

7. Các cửa bán nguyệt với hoa văn phù điêu nhẹ nhàng.


Hình ảnh minh họa các đặc trưng trong kiến trúc tân cổ điển

Hình 1: hình ảnh minh họa các đặc trưng trong kiến trúc tân cổ điển.

Cách nhận biết một công trình có kiến trúc là kiến trúc tân cổ điển:

Vì kiến trúc tân cổ điển là kiến trúc cổ điển được lược bớt đi và thêm 1 chút phá cách vào, nên để một công trình có kiến trúc là tân cổ điển thì đầu tiên các bạn phải thấy được nó có những nét giống giống kiến trúc cổ điển cái đã. Sau đó các bạn thấy công trình đó có thêm một số đặc điểm như bên dưới:

1. Nhìn bề ngoài thấy giống giống kiến trúc cổ điển như mình nói ở trên, nhưng công trình không có tính đối xứng.

- Các mặt tiền của công trình không hoàn toàn giống nhau. Trong hình 1 ở trên mặt tiền phía trước và mặt tiền phía bên phải của căn nhà là khác nhau. Trong hình 2 bên dưới thì mặt tiền phía trước nhà và mặt tiền phía đầu nhà là khác nhau.

- Mỗi mặt tiền vẫn có những phần đối xứng, nhưng có thêm cả những phần không đối xứng. Hai bên của mỗi mặt đứng có chút khác biệt ở tiểu tiết. Nhìn vào hình 2 ở dưới chúng ta thấy căn nhà có 1 khối bán nguyệt là khối khác biệt, hai khối chữ nhật ở 2 bên tháp giữa có dạng đối xứng lệch và cái tiểu tiết khác nhau ở đây là kích thước của 2 khối này (từ đó tạo ra đối xứng lệch).

- Các khối của công trình và các chi tiết tiểu tiểu tiết không có một trật tự chặt chẽ. Trong hình 2 ở bên dưới chúng thấy công trình có khối bán nguyệt ở 1 đầu nhà, trong khi đầu còn lại của ngôi nhà lại không có khối bán nguyệt nào.

2. Công trình có nhiều cột, các cột của công trình có chân cột và đầu cột. Đầu cột có hoa văn đơn giản hoặc đắp phào nổi, không có đắp phù điêu hay hoa văn phức tạp đối xứng.

- Trong hình ảnh minh họa bên dưới (hình 2), công trình có rất nhiều cột tròn. Nhưng chúng ta thấy các cột này đã được tinh giản đi rất nhiều.

3. Công trình có một số khối được lặp lại, nhưng có thêm những khối khác biệt.

Hình ảnh minh họa khối lặp lại nhưng có thêm khối khác biệt

Hình 2: hình ảnh minh họa khối lặp lại nhưng có thêm khối khác biệt.

- Rất khó tìm được hình ảnh đặc trưng, mình minh họa tạm bằng ảnh trên. Tạm nhưng mà đúng nhé các bạn, chỉ là không phải điển hình thôi.

- Trong ảnh của hình 2 ở trên hai khối bên trái và bên phải của tháp giữa là nhưng khối lặp lại (chú ý là 2 khối này không hoàn toàn giống nhau, chúng khác nhau về kích thước nhưng vẫn được như là lặp lại), nhưng công trình có thêm 1 khối khác biệt là khối bán nguyệt ở đầu nhà phía bên trái của ảnh.

- Trong ảnh trên nếu cắt bỏ khối bán nguyệt ở đầu nhà, sau đó chỉnh cho kích thước của hai khối 2 bên tháp giữa bằng nhau thì căn nhà này sẽ có kiến trúc là kiến trúc cổ điển.

- Ranh giới giữa cổ điển và tân cổ điển đôi khi là rất mong manh, nhiều khi các bạn phải tinh ý mới phân biệt được chúng. Đối với các công trình có kiến trúc được cách tân nhiều thì các bạn dễ nhận ra hơn.

4. Phần mái của công trình có mái vòm, nhưng có thêm cả mái cụt, mái vát nhọn. Có thể nói là hệ mái đa dạng.

- Nhìn vào hình 2 ở trên, chúng ta thấy công trình có phần tháp là mái vòm có chóp nhọn. Ngoài ra mái của căn nhà này còn có các mái đa giác được làm dẹp của khối bán nguyệt ở đầu nhà, mái sóng của 2 khối ở 2 bên của tháp chính.

- Đối với công trình khác bạn sẽ dễ nhận ra sự đa dạng trong hệ mái, nhưng mình không thể đăng quá nhiều ảnh để minh họa. Ảnh của hình 2 ở trên thì các bạn cũng phải tinh ý mới nhận ra được, nhưng không sao cái khó mình cũng giúp các bạn nhận ra rồi.

5. Không có hoa văn phù điêu phức tạp, không có nhiều họa tiết đắp nổi đối xứng (vẫn có, nhưng chỉ điểm những  chỗ cần thiết thiết).

- Các bạn không phải căng mắt ra để nhìn hết các chi tiết trên các mặt của công trình. Đối với kiến trúc cổ điển các bạn phải căng hết mắt mới nhìn được các hoa văn phù điêu trên tường và cột là gì.

- Đối với các phù điêu đắp thành dãy như trong kiến trúc cổ điển thì trong kiến trúc tân cổ điển thường thay nó bằng dãy con lăn trang trí.

- Có các đường phào ngang chạy bao quanh công trình hoặc chạy suốt theo 1 mặt công trình.

6. Phần thiết kế các loại cửa thì vẫn là các cửa hình bán nguyệt, nhưng hai bên cửa là các phào nổi nhẹ và trên đầu cửa là phào nổi kết hợp hoa văn đơn giản.

- Trong hình 1 ở trên thì các cửa của căn nhà là các cửa giả hình bán nguyệt với hoa văn ở trên đấu được tinh giản (có thể nói chỉ là phào), phù điêu ở 2 bên cũng được đơn giản hóa.

- Trong hình 2 ở trên thì các cửa của công trình thậm chí còn không có hoa văn phù điêu, thay vào đó chỉ là các đường chỉ kẻ đối xứng. Về kiểu cách của cửa thì ngoài cửa hình bán nguyệt, có thêm cả các cửa hình chữ nhật.

7. Công trình có các khối nhô, khối lùi, chúng không giống nhau. Các khối nhô lùi này nhằm phá cách, nhưng chúng cũng không được quá đà nhô quá hoặc thụt quá.

- Các bạn nhìn lên hình 2 ở bên trên, chúng ta thấy khối tháp nhô ra 1 chút, trong khi khối bán nguyệt thụt vào 1 chút sơ với mặt tiền trước nhà.

- Các bạn lưu ý là kiến trúc cổ điển thì cũng có các khối nhô lùi một chút như kiến trúc tân cổ điển. Nhưng trong kiến trúc cổ điển thì việc nhô lùi của các khối là theo một trật tự và thường nhô lùi theo kiểu đối xứng, trong khi các khối nhô lùi của kiến trúc tân cổ điển là không có một trật tự nào.

8. Có một số mảng tường trống. Tuy nhiên chúng cũng không được trống quá, vì trống quá thì sẽ xấu. Điều này có nghĩa bạn cũng phải tinh ý mới nhận ra. Đối với kiến trúc cổ điển thì tất cả các phần trống phải được trang trí bằng họa tiết hoa văn.

- Nhìn vào hình 2 ở trên chúng ta thấy một số mảng tường trống (không quá lớn), đó là các mảng tường của phần tầng mái (phía trước nhà). Đối với kiến trúc cổ điển thì các mảng tường này bắt buộc phải đắp hình vẽ, hoa văn họa tiết, phù điêu để trám vào phần trống này. Cũng khá khó phá hiện phải không nào, đây là bởi vì công trình chỉ được cách tân nhẹ nhàng.

Nếu bạn nào muốn tải về tài liệu của công trình có thiết kế kiến trúc theo phong cách kiến trúc tân cổ điển, thì các bạn có thể tài về tài liệu này biệt thự tân cổ điển siêu đẹp full kiến trúc, kết cấu, điện nước.

Ưu điểm của kiến trúc tân cổ điển:

Cái này mình nói thêm thôi, không liên quan đến bài viết này cho lắm. Các bạn nắm chắc các phần trên là được rồi.

1. Đảm bảo tính sang trọng như trong kiến trúc cổ điển, nhưng lại dễ thiết kế và thi công hơn so với kiến trúc cổ điển.

2. Cho phép thiết kế cho nhiều dạng công trình khác nhau: cơ quan công quyền, công trình công cộng, biệt thự, nhà phố, nhà nghỉ, khách sạn, ...

3. Cho phép linh hoạt trong thiết kế. Điều này rất quan trọng khi mà thiết kế phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: diện tích đất, công năng sử dụng, thẩm mỹ của chủ đầu tư, chưa kể trong một số trường hợp là phong thủy nữa.

4. Mang hơi thở của thời đại, điều này giúp nó đáp ứng được thị hiếu của nhiều người.

Theo dõi
Bình luận
Chưa có bình luận nào